6 tác dụng của tỏi với sức khỏe và một số lưu ý khi ăn tỏi
Tỏi là một loài cây thuộc họ Hành, có tên khoa học là Allium sativum. Ngoài việc được biết đến như là một loại gia vị có mùi thơm rất đặc trưng thì ăn tỏi có tác dụng gì là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Sau đây chúng ta cùng điểm qua các tác dụng của tỏi với sức khỏe như sau:
1. Tăng cường sức đề kháng
Theo nghiên cứu, củ tỏi có chứa hợp chất alliin, khi tỏi được nghiền nát (nhai, cắt lát) thì enzym alliinase sẽ chuyển đổi alliin thành allicin, hợp chất chính mang đến mùi vị đặc trưng của tỏi.
Hợp chất allicin được chứng minh là giúp tăng cường phản ứng chống lại bệnh tật của một số tế bào bạch cầu trong cơ thể khi chúng gặp virus, chẳng hạn như virus gây cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường. Do đó, allicin đã tạo nên công dụng chính của tỏi là giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
2. Tốt cho xương khớp
Trong tỏi có chứa vitamin C, vitamin B6, và mangan, kẽm cùng với các chất chống oxy hóa và enzyme,… có tác dụng tốt trong việc ngăn chặn sự hình thành các mô liên kết và chuyển hóa xương. Đồng thời, chúng nâng cao khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, giúp xương chắc khỏe hơn.
Với phụ nữ, việc ăn tỏi sống giúp làm chậm quá trình loãng xương bằng cách tăng cường nội tiết tố estrogen. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh về xương khớp, tỏi có tác dụng giảm triệu chứng đau nhức rõ rệt.
3. Chống oxy hóa
Trong tỏi có chứa các chất chống oxy hoá hỗ trợ cơ thể chống lại các tổn thương gây ra quá trình lão hoá.
Nghiên cứu cho thấy sử dụng tỏi với liều lượng cao sẽ sinh ra các enzyme chống oxy hoá trong cơ thể người. Ngoài ra, việc dùng tỏi cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như Alzheimer và sa sút trí tuệ.
4. Phòng ngừa các bệnh tim mạch
Tỏi có tác dụng hạ cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt trong cơ thể, giúp loại bỏ các mảnh xơ vữa bám trên thành mạch máu. Ăn tỏi thường xuyên cũng giúp làm chậm tiến trình lão hóa của động mạch chủ. Ngoài tác dụng giảm mỡ máu ra, tỏi còn ức chế tích tụ tiểu cầu, phòng ngừa hình thành huyết khối. Vì vậy, tỏi có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch.
Tỏi còn có tác dụng kiểm soát huyết áp bằng cách giảm độ nhớt của máu nhờ hoạt chất ajoene. Theo các nhà khoa học, khoảng 600 – 1500mg chiết xuất từ tỏi sẽ mang lại hiệu quả giảm huyết áp trong 24 tuần. Bên cạnh đó, chất polysulfides và các phân tử lưu huỳnh trong tỏi có tác dụng làm giãn cơ trơn, kích thích sản xuất các tế bào nội mạc và giãn mạch máu, từ đó kiểm soát huyết áp hiệu quả. Người bệnh tăng huyết áp được khuyên nên ăn vài tép tỏi mỗi sáng để hạ áp.
5. Tăng cường khả năng tình dục ở nam giới
Theo các nhà khoa học, sự cương cứng cần đến một loại enzymes gọi là nitric oxide synthase. Những hợp chất có trong tỏi giúp sản sinh ra loại men này.
Nam giới ăn khoảng 2 nhánh tỏi trong ngày và ăn liên tục trong khoảng 2 tháng sẽ giúp tăng lượng tinh dịch và tăng số lượng tinh trùng. Bên cạnh đó, một số thành phần trong tỏi cũng giúp giảm mệt mỏi và nâng cao thể lực cho cánh mày râu.
6. Giúp giảm nguy cơ và hỗ trợ điều trị ung thư
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy rằng, tỏi có tác dụng đáng kể trong việc phòng ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư đường ruột. Tỏi có khả năng ức chế quá trình quá trình nitrat chuyển biến thành nitrite trong dịch vị, đồng thời ngăn cản hình thành nitrosamine, làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
Tỏi cũng có tác dụng tốt trong việc xâm hại của các độc tố, chất gây ung thư và một số kim loại nặng. Germanium và selen là những thành phần trong tỏi giúp cơ thể chúng ta có thể chống lại nguy cơ đột biến tế bào, ngăn ngừa sự hình thành của các gốc tự do và từ đó hỗ trợ phòng ngừa ung thư khá hiệu quả.
Đối với những bệnh nhân ung thư, công dụng của tỏi cũng rất đáng ghi nhận. Cụ thể, các hoạt chất diallyl disulphide, s-allystein và ajoene có trong tỏi sẽ giúp làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của khối u hoặc làm giảm kích thước của khối u, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh rất tốt.
Các chuyên gia cho rằng, tỏi có thể giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị một số loại bệnh như ung thư vú, ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang, ung thư gan, …
Một số lưu ý để ăn tỏi đúng cách:
+ Băm nhuyễn trước khi sử dụng: Nhiều người hay ăn tỏi sống nguyên tép. Thay vì vậy, bạn nên băm nhuyễn vì trong tỏi không chứa allicin tự do, chỉ sau khi băm nhuyễn thì enzyme trong tỏi mới sinh ra allicin – chất làm nên công dụng chính của tỏi.
+ Không nên ăn lúc đói: Tỏi có tính phân huỷ và kích thích niêm mạc dạ dày, ruột rất mạnh, do đó bạn không nên ăn tỏi lúc đang đói.
+ Người thể trạng suy yếu không nên ăn nhiều tỏi vì ăn tỏi quá nhiều làm tiêu tan khí huyết, loãng khí, hao máu, sinh đờm, phát nhiệt.
+ Không nên ăn tỏi với các loại thịt như thịt dê, thịt gà, thịt chó, cá trắm, cá diếc, trứng,… thường gây sinh nhiệt, gây nóng, chướng bụng, khó tiêu.
+ Hạn chế với người bị bệnh gan: Những người mắc bệnh về gan cần hạn chế ăn tỏi, do tỏi có tính nóng, vị cay sẽ làm nóng gan, lâu dần sẽ gây hại cho gan.
+ Không nên ăn tỏi sống khi bị tiêu chảy: Khi bị tiêu chảy, bạn không nên ăn tỏi sống vì allicin trong tỏi sẽ kích thích thành ruột làm mạch máu bị tắc nghẽn, phù nề và một số biến chứng khác.
Trên đây là trả lời cho câu hỏi ăn tỏi có tốt không và một số lưu ý để ăn tỏi hiệu quả. Chúc bạn sẽ có được nhiều món ăn ngon, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe từ loại gia vị quen thuộc này nhé.